Đồ chơi trẻ em xưa và nay

Đồ chơi trẻ em là thứ không thể thiếu trong đời sống trẻ thơ. Tuổi càng nhỏ, nhất là ở giai đoạn nhà trẻ, mẫu giáo thì đồ chơi có thể xem là một người bạn gắn bó, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bọn trẻ.

Ngày trước mặc dù kinh tế của đất nước khó khăn, các gia đình hầu như không mua sắm đồ chơi cho trẻ con, có chăng cũng chỉ là cái mặt lạ hình các nhân vật trong bộ phim nổi tiếng Tây Du Ký như Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới, Sư Phụ…, hay gia đình nào có chút điều kiện thì mua cho các bé con búp bê, đoàn tàu đồ chơi… Không phải vì không có đồ chơi mà các bé không thể chơi đùa, các bé đã tự sáng tạo ra các loại đồ chơi cho riêng mình như là lấy vò con Trai Trai, vỏ Hến làm bát ăn cơm, nặn nồi bằng đất sét, lấy cỏ làm rau…thế là các bé gái túm 5, túm 3 thành một nhóm chơi trò chơi ”đồ hàng”, các bé dùng đất nặn quả tròn vừa lòng bàn tay, hay quả bưởi cam non làm quả mốt chơi đánh mốt, bé trai thì làm diều từ những trang giấy nháp, lá của cây dứa cảnh… Từng ấy thứ đồ chơi đã lơn lên cùng các bé, một tuổi thơ ngọt ngào với những buổi chiều bán hàng bên giỏ đồ chơi ”đồ hàng” của mình, những buổi chiều thu nắng nhẹ gió thanh thanh các chú bẹ chạy trên sườn đê cùng những cánh diều no gió.

Mục đích chính của đồ chơi là giáo dục trẻ nhanh chóng phát triển trí dục và mỹ dục. Thực tế cho thấy thứ đồ chơi nào đạt được hai yêu cầu đó sẽ có sức hấp dẫn trẻ. 

Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều đồ chơi thuộc đủ mọi chủng loại, kiểu cách. Nhưng đa phần trẻ chơi chóng chán. Hứng thú của trẻ dường như hướng tới các đồ chơi do nước ngoài sản xuất hơn là hàng nội địa. Bởi lẽ đồ chơi nước ngoài chẳng những đẹp, bền, phong phú về màu sắc và kiểu dáng mà còn là kích thích trí tò mò, sự khám phá, tạo ra sự phát triển toàn diện cho trẻ. Có thể thấy, đồ chơi cho bé trai có phần khác bé gái do sự khác nhau về giới tính dẫn đến những sở thích tâm lý khác nhau, nhưng cả hai đều ưa màu sắc, âm thanh và kiểu dáng lạ mắt. Các bé gái thích búp bê, các loài vật, các dụng cụ trong gia đình để chơi trò nấu cơm, dọn cỗ. Bé trai lại thích ôtô, tầu thuỷ, máy bay, các loại kèn…, thậm chí là súng và kiếm. Tuy nhiên, các nhà sản xuất luôn nhớ rằng, không nên vô tình kích thích bạo lực, hiếu chiến bằng những loại đồ chơi là vũ khí kiểu như súng, gươm, đao… Đừng vì chúng thích loại đồ chơi này mà gia tăng sản xuất. Chúng cần phải được bồi dưỡng trí tưởng tượng phong phú, trong đó thế giới âm thanh và mầu sắc thường được coi là những yếu tố đắc hiệu nhất trong việc kích thích phát triển năng lực thẩm mỹ của trẻ. Điều này có thể lý giải vì sao ở các nước văn minh, người ta đặc biệt chú trọng giảng dạy hai môn nhạc và hoạ ngay ở những lớp bé nhất trong hệ thống nhà trường phổ thông. Đáng tiếc ở nước ta việc này đã nghĩ tới nhưng chưa “đủ sức nặng” để “cảm hóa” óc thẩm mỹ của trẻ.

Thực tế, trong việc tạo ra các đồ chơi cho trẻ , các nhà sản xuất nước ta mới chỉ nghĩ tới âm thanh, chứ chưa nghĩ tới âm nhạc. Nghĩa là mới nghĩ tới những tiếng động phát ra từ mọi vật thể, hỗn độn, tự do, không theo quy luật nào, mà chưa “chạm” tới những âm thanh trong cuộc sống được người nhạc sỹ sáng tạo theo quy luật nhất định về tiêt tấu, cao độ và cường độ. Nhiều đồ chơi đã phát ra âm thanh, nhưng tạo ra âm nhạc như kiểu đàn organ bằng nhựa hoặc búp bê reo nhạc, xe đạp đồ chơi, xe đẩy…còn quá ít. Âm thanh chỉ giúp trẻ có điều kiện phát triển thính giác còn âm nhạc mới giúp chúng phát triển mỹ cảm, tâm hồn. Đi liền với âm nhạc là mầu sắc. Có nhìn trẻ chơi mới nhận ra rằng, các sản phẩm hướng về lứa tuổi ấy cần tối kỵ những màu tối, xỉn, mà cần chú trọng đến những màu tươi sáng, sặc sỡ và phai có sự hoà hợp phong phú.

Hiện nay, đồ chơi trẻ em đang tràn ngập thị trường với đủ mọi chủng loại, mẫu mã, kích cỡ nhưng những thứ có lợi cho sự phát triển trí tuệ và mĩ cảm còn ít so với loại chỉ thuần tuý khơi gơi sự hiếu kỳ. Thậm chí có những thứ tạo cảm giác không sạch sẽ, dơ bẩn. Nhiều người lớn còn muốn mua thứ này về để đánh lừa trêu người khác. Nhìn thấy sản phẩm này, không ít người cảm thấy ghê, chứ đừng nói đến chuyện mang về cho trẻ con chơi. Cạnh đó, còn là một số lượng đồ chơi liên quan đến bạo lực gây tác hại đến nhân cách của trẻ thơ, dù các nhà quản lý đã lên tiếng và cấm lưu hành.

Đồ chơi cho trẻ em – một vấn đề tưởng như chẳng mấy quan trọng mà lại cần rất nhiều trí tuệ và nghệ thuật của các hoạ sỹ và những nhà thiết kế. Nhìn vào loại hàng hoá đặc biệt này, người ta có thể thấy được đời sống tinh thần của trẻ thơ và cao hơn là trình độ văn hoá, sự phat triển của một quốc gia. Thế nên, một yêu cầu rất cần thiết đối với trẻ hôm nay là tính chất hiện đại của cuộc sống phải được phản ánh trong các chủng loại đồ chơi. Cần hướng trẻ thơ tiếp cận với nền văn minh công nghiệp tiên tiến chứ không chỉ mãi bằng lòng với loại đồ chơi kiểu như những ông “tiến sỹ giấy” hay những chiếc đèn kéo quân dạo nào.

Ngày nay, cùng với sự phát triển đi lên của xã hội, nhu cầu vui chơi của các bé ngày càng được quan tâm đặc biệt hơn nhất là đồ chơi cho trẻ em, dù thành phố hay nông thôn trẻ em đều có những món đồ chơi hiện đại như đồ chơi siêu nhân, lego, hình các nhân vật trong các bộ phim hoạt hình nổi tiếng như ben ten, năm anh em siêu nhân, picachu…tất cả những thứ trên chỉ là những đồ chơi theo sở thích nhất thời, các bé có thể quên ngay năm anh em siêu nhân khi đã có ben ten và cũng có thể quên ngay ben ten khi có toys story… chỉ có  những thứ đồ chơi truyền thống sẽ không bao giờ mai một.

Đồ chơi trẻ em là một thị trường tiềm năng của các nhà sản xuất đồ chơi, vì vậy có rất nhiều rất nhiều loại đồ chơi với nguồn gốc xuất sứ không rõ ràng và đã bị các nhà chức trách khuyến cáo có nhiều loại độc tố trong thành phần cấu tạo đồ chơi, chúng là những hợp chất hóa học có thể gây ung thư cho người sử dụng đặc biệt là trẻ em vì vậy các bậc phụ huynh nên quan tâm tới xuất sứ, nguồn gốc của các loại đồ chơi khi mua đồ chơi cho trẻ em.